Lý thuyết


1.1. Ngôn ngữ lập trình

Ngôn ngữ lập trình là hệ thống các ký hiệu tuân theo các qui ước về ngữ pháp và ngữ nghĩa, dùng để xây dựng thành các chương trình cho các vi điều khiển, máy tính...

Chương trình: Là một tập hợp các mô tả, các phát biểu, nằm trong một hệ thống các qui ước về ý nghĩa và thứ tự thực hiện, nhằm điều khiển máy tính làm việc.

Theo Niklaus Wirth thì: Chương trình = Thuật toán + Cấu trúc dữ liệu

Các thuật toán và chương trình đều có cấu trúc dựa trên 3 cấu trúc điều khiển cơ bản:

Tuần tự (Sequential): Các bước thực hiện tuần tự một cách chính xác từ trên xuống, mỗi bước chỉ thực hiện đúng một lần.

Chọn lọc (Selection): Chọn 1 trong 2 hay nhiều thao tác để thực hiện.

Lặp lại (Repetition): Một hay nhiều bước được thực hiện lặp lại một số lần.

1.2. Các bước lập trình

Hiện nay, để viết một chương trình ứng dụng cơ bản trong lĩnh vực kĩ thuật điện – điện tử có thể thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Phân tích vấn đề đặt ra (yêu cầu bài toán), từ đó xác định các đặc điểm hay nói cách khác là phân tích bài toán để xác định dữ liệu ngõ vào và ngõ ra cần đạt được.

Bước 2: Lập ra các giải pháp để chuyển đổi các dữ liệu ngõ vào có được thành các ngõ ra mong muốn. Lựa chọn giải pháp được cho là phù hợp nhất với các điều kiện cụ thể (lựa chọn đưa ra giải thuật).

Bước 3: Viết chương trình theo giải thuật đã lựa chọn.

Bước 4: Sử dụng các trình biên dịch phù hợp để biên dịch chương trình thành ngôn ngữ máy, kiểm tra và chỉnh sửa các lỗi về mặt cú pháp (nếu có).

Bước 5: Nạp chương trình đã biên dịch xuống cho vi điều khiển hoặc chạy trên máy tính để kiểm tra độ chính xác của chương trình bằng các dữ liệu ngõ vào, kết quả. Hoàn thiện chương trình cho đến khi đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra ban đầu.

1.3. Kỹ thuật lập trình

Dựa trên qui trình xử lý cơ bản của máy tính đó là: xác định dữ liệu ngõ vào, xử lý và xuất giá trị hoặc tính hiệu ngõ ra.

Ví dụ: Xác định dữ liệu ngõ vào, quá trình xử lý và ngõ ra của chương trình giải phương trình bậc nhất ax + b = 0.